TÌNH HÌNH Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG HIỆN NAY
06/06/20235 giải pháp tăng cường phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa năm 2023
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 có chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”. |
Năm nay, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã phát động Ngày Môi trường thế giới 5/6 với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).
Theo đánh giá của UNEP, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cấp thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra hồ, sông và biển hàng năm. Mỗi năm, một người có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa microplastic đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách và đề án để giảm thiểu rác thải nhựa. Nổi bật trong số đó là Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Năm nay, chủ đề Ngày Môi trường thế giới tiếp tục truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.
Để tăng cường hiệu quả của Chiến dịch phòng, chống rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu ra 5 giải pháp cần phải thực hiện tốt trong thời gian tới.
Thứ nhất, các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, đơn vị cần tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 – 2025” tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 5/2/2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ…
Giải pháp thứ hai là xây dựng và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa; thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.
Giải pháp thứ ba là đề nghị các cơ quan truyền thông đại chúng tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung tuyên truyền các mô hình điển hình trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, từ đó tạo sự lan toả, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn hiệu quả là một trong những biện pháp thiết thực phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa. |
Giải pháp thứ tư là nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn; biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là giải pháp và sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa. Mỗi tỉnh, thành phố cần có ít nhất 1 mô hình cụ thể về “chống ô nhiễm nhựa” hiệu quả tại địa phương, đồng thời tổ chức ra quân dọn, xử lý rác tại các điểm đen và ô nhiễm rác thải nhựa ở sông, hồ, bờ biển.
Cuối cùng, căn cứ tình hình thực tế, cao điểm từ cuối tháng 5 đến kết thúc tháng 6 năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, đơn vị đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải; phát động chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực như thành lập liên minh nói không với túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.